Ngày đăng: 05/02/2015 Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sau 2 năm khởi động, tính đến nay đã giải ngân được khoảng 1/3 với 6000 tỷ đồng cho người dân vay mua nhà. Hiện tại, cũng có 15 ngân hàng thương mại tham gia giải ngân. Tuy nhiên, khi thời hạn giải ngân còn mờ mịt thì lại sắp có thêm gói hỗ trợ mới dành cho nhà ở thương mại.
Cách đây không lâu, một vị lãnh đạo Bộ Xây dựng đã hé lộ một số thông tin về gói hỗ trợ 50.000 tỷ đồng. Đối tượng của gói tín dụng này là người mua nhà thương mại. Liệu có quá sớm khi cho rằng đây là tín hiệu tốt của thị trường? Theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nhằm bắn trúng 2 đích: hỗ trợ cho thị trường bất động sản và an sinh xã hội. Từ đây, nhiều Thông tư từ Bộ Xây dựng, NHNN lần lượt được ban hành để hướng dẫn, tạo điều kiện giải ngân gói tín dụng này một cách hiệu quả đối với doanh nghiệp cũng như người mua nhà. Do tiến độ giải ngân khá ì ạch trong khi quá trình thẩm duyệt, xác định đối tượng vay quá nhiều bất cập, nên trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước cho ra đời Thông tư 32/1014 (nhằm sửa đổi bổ sung Thông tư 11). Thông tư này được đánh giá là rất kịp thời. Cụ thể, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã giúp người thu nhập thấp có cơ hội vay mua NƠXH và NƠTM với tổng giá trị hợp đồng khoảng dưới 1,05 tỷ đồng (không bắt buộc khung diện tích và đơn giá). Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, bộ văn bản pháp lý trên vẫn chưa thể phát huy hết tác dụng vì đại bộ phận người có nhu cầu vẫn chưa dễ dàng tiếp cận với gói tín dụng này. Được biết, tính đến giữa tháng 1/2015, đã có khoảng 12.000 hộ gia đình được ký hợp đồng hỗ trợ tín dụng từ gói 30.000 tỷ. Thời hạn giải ngân của gói tín dụng này là 1/6/2016. Về phía doanh nghiệp, tính đến 31/10/2014, một đô thị lớn có tới 10 triệu dân như Tp.HCM mà chỉ có… 2 doanh nghiệp được giải ngân 658 tỷ đồng. Cũng tại đô thị triệu dân này, chỉ có 1.444 cá nhân được vay 393,83 tỷ đồng (ngân hàng ký hạn mức tín dụng 1.470,93 tỷ đồng cho 1.513 khách hàng). Với kết quả này, Ts. Nguyễn Chí Hiếu đánh giá, mức độ giải ngân của gói 30.000 tỷ chỉ đạt khoảng 10% (?!) Những khó khăn khi tiếp cận gói tín dụng này từng được cả người dân và doanh nghiệp trực tiếp “gõ cửa nhà băng” để phản ánh trong một thời gian dài. Đại đa số người dân đều cho rằng họ đành “bó tay” không thể mua nhà bằng vay tín dụng ưu đãi (kể cả trước và sau khi có Thông tư 32 của NHNN). Điều này thể hiện rất rõ ở thị trường BĐS Hà Nội. Chẳng hạn dọc trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu kéo dài tới tận khu Nam Cường, hàng loạt dự án gần như đã bán xong, hoàn thiện thậm chí đã bàn giao nhà nhưng hầu như không có dự án căn hộ nào có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng. Tin liên quan |