Cuộc chiến giá dầu sắp tới hồi kết?

Ngày đăng: 05/02/2015

Các nhà khai thác dầu ở Mỹ đã hụt hơi trong cuộc chiến dìm giá dầu với OPEC. Điều này đã đẩy giá dầu thế giới tăng nhẹ trong mấy ngày qua.

cuoc-chien-gia-dau-sap-toi-hoi-ket

Mỹ đóng van một số giàn khoan khiến dầu tăng giá

Giá dầu một lần nữa tiếp tục nhích lên vào ngày 3/2 sau khi các nhà sản xuất Mỹ cắt giảm sản lượng. Giá dầu chuẩn WTI của Mỹ giao tháng 3/2015 tăng 1,51 USD lên 51,08 USD/thùng, trong khi dầu Brent giao tháng 3 tăng 1,9 USD lên 56,65 USD/thùng.

Trước đó vài ngày, giá dầu thế giới cũng đã tăng nhẹ và tính tổng cộng từ hôm 30/1 đến nay là 11%, tương đương 5 USD/thùng.

Sự tăng giá này bắt nguồn việc các nhà khai thác của Mỹ hôm 29/1 thông báo tạm dừng 94 giàn khoan, xuống còn 1.223 giàn. Như vậy là giảm bớt 199 giàn so với cùng thời gian năm ngoái.

Việc giá dầu liên tục tụt giảm trong 6 tháng qua, tương đương 50% giá trị, là một hậu quả của cuộc chiến giá cả giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với các nhà khai thác Mỹ.

Để hiểu được nguồn gốc của cuộc chiến này, chúng ta cần phải trở lại quá khứ đôi chút. Sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1972 và đòn phong tỏa năng lượng của Arập Xêút cùng các nước Arập như Kuwait, Liên hiệp Các Tiểu Vương Quốc Arập (UAE), các nước bán dầu thấy ra thế lợi hại của vũ khí dầu thô nên thành lập OPEC, Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Đấy là liên minh làm giá, với mục tiêu điều phối sản lượng ít hay nhiều để giữ giá cho cao hay thấp. Sản lượng, từ đó có số xuất khẩu, trực tiếp ảnh hưởng đến mức cung về năng lượng theo quy luật dễ hiểu là cung nhiều thì giá hạ và ngược lại giảm cung là nâng giá.

Tổ chức OPEC làm được chuyện đó vì giữ thế độc quyền. Nhưng OPEC không là nhà sản xuất duy nhất mà nhiều nước mua dầu của họ cũng có khả năng sản xuất, là trường hợp Mỹ. Doanh nghiệp và nói chung dân Mỹ khó chấp nhận trò làm giá theo thế độc quyền và chủ trương mở rộng cạnh tranh. Chính tư tưởng cạnh tranh trong xã hội và động lực kinh doanh trên thị trường mới khiến công nghiệp dầu khí Mỹ tìm dầu ở nơi khó khăn như Alaska hay đáy sâu của Vịnh Mexico.

Khi dầu thô lên quá 100 USD, doanh nghiệp Mỹ bèn khai triển kỹ thuật mới là “fracking”, đào sâu rồi đào ngang trong các tầng đá phiến để chắt dầu và khí đốt. Kỹ thuật này vốn có từ lâu, được các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa liều lĩnh áp dụng rồi tiếp tục cải tiến khi dầu thô lên giá.

Quy luật tính toán trên thị trường tự do là “giá biên tế” (marginal price): nếu đào thêm một thùng dầu nữa mà phí tổn vẫn thấp hơn giá bán trên thị trường thì ta còn đào. Nếu giá bán mà bằng hay thấp hơn giá biên tế thì ta ngừng. Khả năng sáng tạo và cải tiến của Mỹ, cùng một số quốc gia khác, trong kỹ thuật gạn đá ra dầu còn làm giảm cái giá biên tế ấy.

Nên tạo ra trận thế mới giữa phe “độc quyền” và phe “cạnh tranh”, nói gọn là giữa Arập Xêút và các doanh nghiệp dầu khí của Mỹ. Đó là trận chiến ngày nay.

Cho đến 10/6/2014, thị trường dầu thô vẫn bị phe độc quyền hay khối OPEC và Arập Xêút chi phối mạnh. Nhưng sự thành công của phe cạnh tranh là doanh nghiệp Mỹ đã lặng lẽ đảo lộn cuộc chơi.

Nhờ kỹ thuật fracking, sản lượng dầu tại Mỹ gần lên tới mức 10 triệu thùng một ngày. Số cung mới làm giảm số dầu Mỹ vẫn nhập khẩu nên nâng số cung trên toàn cầu. Mà kinh tế toàn cầu đang bị nguy cơ suy thoái (đà tăng trưởng thấp hơn) của châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Khi kinh tế suy giảm thì thiên hạ cần ít dầu hơn, làm số cầu cũng giảm.

Ai cũng biết cung tăng mà cầu giảm thì giá dầu phải hạ. Giới đầu tư trên thị trường thương phẩm có hạn kỳ còn tính thêm là giá sẽ hạ nữa cho nên giao dịch hay giao hẹn với giá thấp hơn và càng đẩy giá xuống thấp hơn.

Biến chuyển ấy tạo ra đà gia tốc, và gây ngạc nhiên khi giá sụt tới mức 70 USD/thùng rồi sụt nữa, sụt nữa. Người ta sở dĩ ngạc nhiên vì không thấy ra sự thể đảo điên trong giới sản xuất: Thủ lĩnh phe “độc quyền” là Arập Xêút nhảy rào qua bên kia, lý luận theo phe cạnh tranh.

Hoàng gia Saudi biết ngoài chợ có thêm kẻ bán mà ta lại cố bán ít hơn để giữ giá cho cao thì sẽ mất khách - và bị lỗ. Chi bằng nương theo quy luật thị trường khiến giá sụt thêm cho kẻ bán dầu kia hết lời mà rời chợ.

Là đại gia có vốn dằn lưng hơn 700 tỷ USD dự trữ, Arập Xêút có thể chịu được giá thấp hơn. Khi vẫn tồn tại sau trận thư hùng này để loại bỏ địch thủ thì ta lại tăng.

Đấy là ý nghĩa của quyết định trong kỳ họp tháng 11/2014 của OPEC tại Vienna là không giảm sản lượng mà còn giao hẹn giá thấp hơn với khách hàng châu Á và Mỹ. Nhưng thấp đến cỡ nào thì vừa, và cao đến mức nào thì quá?

Quy luật kinh doanh chỉ ra là phí tổn biên tế của các doanh nghiệp dầu khí Mỹ có thể là giá bán cao nhất. Nếu cao hơn thì mất khách. Hiện nay, giá đó khoảng 50 USD/thùng và còn có thể hạ. Ở dưới, phí tổn biên tế tệ nhất của OPEC và Nga sẽ là giá sàn. Thấp hơn nữa là mất vốn! Giá đó được ước tính là 20 USD/thùng.

Và cuộc chiến giữa phe “độc quyền” với phe “cạnh tranh” đã có kết quả bước đầu. Các nhà sản xuất Mỹ không chịu được cuộc chơi nên bắt đầu đóng bớt van dầu khiến giá cả tăng trong mấy ngày qua.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát thị trường vẫn duy trì thái độ thận trọng trước sự phục hồi mới nhất của giá dầu. Theo Reuters, các chuyên gia của Morgan Stanley cảnh báo mối quan hệ giữa số lượng giàn khoan và sản lượng có thể khiến giới đầu tư nhầm lẫn. “Thông tin số lượng giàn khoan giảm đi có thể gây ấn tượng, nhưng khi chúng ta nhìn vào dữ liệu, hầu hết giàn khoan ngưng hoạt động đều không có năng suất cao”- theo Morgan Stanley.




Thành tựu đạt được
Thống kê truy cập :
Số lượng khách đang online: 4
Số lượng truy cập: 3187693